6 nhóm người có nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19 cao nhất và cách phòng tránh
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19 sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng nhóm người. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra với bạn 6 nhóm người có nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19 cao nhất và cách phòng tránh dịch bệnh đối với họ.
Nhóm người có nguy cơ lây nhiễm virus corona cao nhất
Nam giới ở độ tuổi trung niên
Một nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc dựa trên 44.000 người đã từng nhiễm bệnh Covid-19 cho thấy 2,8% đàn ông bị nhiễm bệnh đã không qua khỏi vì virus Corona chủng mới trong khi đó tỷ lệ này chỉ ở mức 1,7% với phụ nữ.
Nghiên cứu mới khác được công bố trên Lancet (tạp chí Y khoa danh tiếng thế giới) cũng đã xem xét 99 trường hợp mắc virus corona sớm nhất, bao gồm cả 41 trường hợp đầu tiên, để xem ai đang lây nhiễm.
Kết quả là 2/3 số bệnh nhân là nam giới và gần 1/3 trong số họ ở độ tuổi 50. Độ tuổi trung bình là 55.
Phụ nữ mang thai
Việc mang thai tác động nhiều đến cơ thể, một trong số đó là khiến suy yếu hệ thống miễn dịch của người mẹ. Điều đó cũng khiến phụ nữ dễ bị nhiễm trùng hơn. Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng tử vong vì cúm hơn so với phụ nữ không mang thai cùng tuổi.
Chính phủ Anh cho biết "không có dấu hiệu rõ ràng" rằng phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus Corona. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này vẫn cần được sự chăm sóc và phòng dịch đặc biệt.
Người có bệnh lý tim mạch, phổi
Bên cạnh đó, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (như hen phế quản, tiểu đường, bệnh tim mạch,…) sẽ dễ bị mắc virus Covid-19 và thường chuyển biến bệnh nặng hơn do các chức năng miễn dịch trên cơ thể bị yếu đi.
Nhóm dân tộc, chủng tộc thiểu số và người bị khuyết tật
Nhóm dân tộc thiểu số thường mắc các bệnh mãn tính, bệnh lý nền ở độ tuổi trẻ hơn do một số bất lợi về điều kiện chăm sóc sức khoẻ và khả năng tiếp cận y tế. Điều này dẫn đến việc họ thuộc nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm và tử vong vì Covid-19.
Trường hợp tương tự đối với người khuyết tật, do sống trong môi trường tập trung đông người và phải đối mặt với nhiều rào cản hơn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, khiến họ có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 cũng như việc điều trị diễn ra khó khăn hơn.
Trẻ em và trẻ sơ sinh
Mặc dù trẻ em ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hơn so với người lớn thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng, nhưng nếu trẻ bị lây nhiễm virus Covid-19 thì có khả năng phát triển bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là những trẻ có bệnh nền.
Nhiều nghiên cứu hiện tại cho thấy, trẻ em có tình trạng bệnh phức tạp do di truyền, trao đổi chất, mắc bệnh tim bẩm sinh hay thậm chí những trẻ mắc bệnh béo phì, bệnh tiểu đường, bệnh hen khiến hệ miễn dịch suy giảm cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19.
Người từ vùng dịch về
Người từ vùng dịch trở về cần được cách ly và theo dõi đặc biệt để có phương án chữa trị kịp thời. Nguy cơ đem dịch từ vùng dịch về rất cao bởi virus Covid-19 hiện đang bùng phát dữ dội.
Bên cạnh đó, việc đi lại trong dịch bệnh cũng có thể chứa nhiều nguy cơ nhiễm bệnh trên các phương tiện, đặc biệt là từ máy bay.
Cách phòng tránh hiệu quả cho nhóm người có nguy cơ lây nhiễm virus corona
Biện pháp phòng tránh chung theo Bộ Y tế
- Nếu đang có dấu hiệu như sốt, ho hoặc khó thở, cần tránh đi lại, du lịch. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, hãy chia sẻ thông tin về lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch đúng cách. Không nên chạm tay vào mắt, mũi, miệng, nhất là khi đang ở ngoài. Hạn chế tiếp xúc với những người bị ho, sốt.
- Che kín miệng và sử dụng khăn giấy hoặc tay áo khi ho, hắt hơi. Bỏ khăn giấy vào thùng rác ngay sau khi sử dụng, rồi rửa tay.
- Cần thông báo ngay cho các nhân viên hàng không, ô tô, đường sắt nếu xuất hiện dấu hiệu ốm khi di chuyển, du lịch. Sau đó, hãy đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
- Dùng các loại thực phẩm được đun nấu chín kỹ.
- Ở nơi công cộng, không khạc nhổ bừa bãi. Không nên tiếp xúc gần với động vật nuôi hoặc hoang dã.
- Cần đeo khẩu trang khi tới nơi đông người hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh. Sử dụng khẩu trang đúng cách, khẩu trang phải che kín miệng, mũi khi đang sử dụng.
- Đối với các loại khẩu trang dùng 1 lần cần vứt bỏ ngay vào thùng rác có nắp đậy kín sau khi dùng. Sau khi bỏ khẩu trang cần rửa tay sạch.
- Thường xuyên uống nước ấm, súc họng bằng dung dịch sát khuẩn hàng ngày.
Biện pháp với người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính
Người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính vốn là nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu nên nguy cơ lây nhiễm cao nhất cần đặc biệt chú ý trong mùa dịch:
- Không nên tham gia các lễ hội, du lịch hoặc đến những nơi đông người.
- Nếu người già, người mắc bệnh mạn tính đang nằm viện thì người thân nên hạn chế đến thăm, để tránh mang theo virus lây bệnh.
- Duy trì các điều trị thường quy như uống thuốc, thăm khám đúng lịch. Chẳng hạn, những người đang mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp… cần uống thuốc điều trị bệnh đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh xa các nguồn lây nhiễm bệnh, những người có triệu chứng ho, sốt…
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe, kết hợp cùng với đó tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Trên đây là bài viết chỉ ra nhóm người có nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19 cao nhất và cách phòng tránh dịch Covid-19 cho nhóm đối tượng này. Mong rằng những kiến thức trên sẽ giúp bạn chăm sóc và bảo vệ người thân tốt hơn trong mùa dịch nhé!
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Chúc các bạn luôn an toàn trong mùa dịch
Nguồn sưu tầm